“Ra nước ngoài thi đấu là ước mơ của mọi cầu thủ Việt Nam. Tôi không muốn mình phải hối tiếc khi giải nghệ”, tiền vệ Nguyễn Quang Hải tâm sự với Báo điện tử VTC News. Hải từng dự định xuất ngoại lần nữa trong năm nay nhưng cuối cùng, anh chọn ở lại tiếp tục chơi cho CLB Công an Hà Nội.
Quang Hải không ra nước ngoài. Lần lượt Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Công Phượng về nước. Lứa cầu thủ “Thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam kết thúc hành trình trải nghiệm ở các nền bóng đá phát triển. Bài học mà họ thu về cho chính bản thân mình trong tương lai, hoặc các thế hệ đàn em là gì?
Thử thách thực sự nơi đất khách
Quang Hải là cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu tại Ligue 2 của Pháp. Khoảnh khắc anh được điền tên đá chính biến Pau FC trở thành từ khóa tìm kiếm hàng đầu tại Việt Nam mỗi ngày cuối tuần. Quang Hải thời điểm ấy nghĩ về những điều lớn lao, những ý nghĩa sâu xa hơn là chuyện làm được gì nơi đất khách.
“Nếu chọn một phương án an toàn hơn, tôi sợ khi về già mình sẽ nghĩ rằng, tại sao bản thân không quyết đoán hơn, không mạo hiểm hơn khi có cơ hội. Những thứ tôi từng có được đến từ nỗ lực của bản thân, tình cảm của người hâm mộ. Thật khó để biết thế nào là nhiều tiền hay không. Tôi chỉ cảm nhận rằng mình phải dấn thân và làm nhiều điều cho xã hội”, Quang Hải tâm sự.
Nguyễn Quang Hải không thành công trong chuyến xuất ngoại.
Trở lại với hiện thực, Quang Hải phải gồng mình giữa núi áp lực. Anh sốc văn hóa theo đúng nghĩa đen. Thử thách đầu tiên Quang Hải cần vượt qua không phải trái bóng tròn, mà là cuộc sống bên ngoài sân cỏ.
“Phải nói thật, có những lúc trên đất Pháp, tôi cảm thấy cô đơn. Tôi lang thang trên phố sau giờ tập một mình. Thậm chí, có những đêm tôi nằm trên giường rồi nghĩ vẩn vơ. Không được thi đấu, tôi ở đây làm gì vậy?”, Quang Hải nhớ về quãng thời gian chuyển đến thi đấu cho Pau FC.
Quang Hải, cầu thủ được xem là xuất sắc nhất Việt Nam trong 10 năm trở lại đây, thực tế đã thất bại khi thử sức ở trời Âu. Anh đóng góp khá hạn chế vào chuyên môn cho đội bóng dù được tạo cơ hội thi đấu trong giai đoạn đầu tiên tại Pháp. Chậm hoà nhập về văn hoá, khác biệt về tư duy chiến thuật, vội vã trong khâu chuẩn bị, khiến lần xuất ngoại của Quang Hải không thu lượm được nhiều.
Giống Quang Hải, người đồng đội ở đội tuyển Việt Nam, Nguyễn Văn Toàn cũng kết thúc “chuyến phiêu lưu” tại Hàn Quốc trong màu áo CLB Seoul E-Land năm ngoái. Anh rời đội bóng xứ kim chi sau 9 tháng, đá 9 trận tại K-League 2, không ghi được bàn thắng nào.
Văn Toàn thi đấu cho Seoul E-land.
Thực tế, Văn Toàn đã chuẩn bị khá kỹ cho chuyến đi của mình. Anh âm thầm học tiếng Hàn, và còn mang theo một phiên dịch viên tiếng Hàn – người bạn cũ từng chơi bóng cùng anh. Văn Toàn cố gắng rút tỉa từ bài học thất bại của các đồng nghiệp cùng trang lứa, nhưng rốt cuộc, anh vẫn phải sớm kết thúc những buổi sáng ngắm “bầu trời đầy tuyết ở Seoul”.
“Suy cho cùng, tôi nghĩ mỗi cầu thủ xuất ngoại phải có được sự thích ứng trên mức bình thường với hoàn cảnh thực tế. Thời tiết, văn hóa, cách giao tiếp cho đến đồ ăn, thức uống, nếp sinh hoạt đều mới mẻ với một cầu thủ Việt Nam”, tiền đạo sinh năm 1996 nói.
Thử thách mà Quang Hải hay Văn Toàn, Văn Hậu trải qua rất khắc nghiệt nhưng lại là chuyện bình thường ở các nền bóng đá chuyên nghiệp. Không đóng góp được về chuyên môn lẫn thương mại, chuyện bị đào thải là điều hiển nhiên.
Giấc mơ dang dở
Nhìn sang Nhật Bản, hay gần hơn là Thái Lan, có lẽ bóng đá Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều điều.
Năm 2000, Nhật Bản mới chỉ có vài cái tên thành công tại châu Âu. Nhưng 20 năm sau, bóng đá xứ sở Mặt trời mọc có thể triệu tập đủ đội tuyển quốc gia từ nguồn lực đang thi đấu ở lục địa già. Để đạt được thành công đó, Hiệp hội bóng đá Nhật Bản có những chiến lược phát triển căn cơ, với những đầu tư đúng đắn cho bóng đá trẻ.
Họ chinh phục thành công các giải đấu ngoài top 5 châu Âu như Bỉ, Hà Lan, biến đó thành bước đệm để cầu thủ Nhật Bản dần tìm được chỗ đứng vững chắc trong đội hình những đại gia châu Âu.
Thái Lan đi sau, và xem Nhật Bản là tấm gương để học hỏi. Cầu thủ Thái Lan sẽ được hướng sang Nhật chơi bóng, hoặc những giải đấu hạng 2 ở châu Âu, trước khi một, hai thế hệ trong 10-20 năm tới đạt đủ độ chín về chuyên môn để vươn tầm khỏi châu Á.
Quang Hải và không ít đồng nghiệp vẫn hướng tới mục tiêu ra nước ngoài thi đấu để khẳng định bản thân.
Nói không quá, giấc mơ xuất khẩu cầu thủ cần phải bắt nguồn từ ý chí nâng tầm của chính nền bóng đá. Ý chí đó, cộng với chiến lược đầu tư đúng đắn từ Nhà nước tới tư nhân, mới là điểm tựa để những người làm bóng đá Việt Nam chung tay biến giấc mơ thành hiện thực.
Ông Cao Hoàng Đức – Giám đốc điều hành CLB Thanh Hóa cho rằng các nhà quản lý cần có sự chuẩn bị tâm thế và sẵn sàng tạo điều kiện tối đa cho cầu thủ Việt Nam xuất ngoại.
Dần dần, các đội bóng cũng phải hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo trẻ, có thể bán sản phẩm của mình là các cầu thủ và thu về dòng tiền chuyển nhượng, đó mới là sự phát triển mang tính bền vững.
Gần 25 năm, kể từ ngày Lê Huỳnh Đức sang Trung Quốc đá cho Lifan, số cầu thủ dám bước ra khỏi vùng an toàn ở V-League chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần họ thất bại. Nhưng, nếu không có những bước đi của họ, con đường đưa cầu thủ Việt Nam sang nước ngoài sẽ còn rất lâu mới hình thành.
Phạm Tuấn Hải – Quả bóng Bạc Việt Nam 2023 bày tỏ: “Chắc chắn tôi sẽ xuất ngoại. Tôi không muốn để phí tuổi trẻ của mình và sẵn sàng thử sức ở môi trường mới. Những đàn anh đi trước chưa thành công nhưng họ kiên nhẫn và tiên phong để mở đường. Tôi muốn tiếp bước họ”.
Bản thân các ngôi sao phải duy trì khát khao vươn lên mạnh mẽ và trau dồi về chuyên môn. Chỉ khi cầu thủ Việt Nam đủ sức cạnh tranh ở các môi trường bóng đá đỉnh cao, sức mạnh tổng thể của đội tuyển quốc gia mới thực sự được nâng tầm một cách bền vững.
KQBD – trực tiếp kết quả bóng đá hôm nay chính xác mới nhất.Xem ket qua bong da trực tuyến nhanh 24h/7 đêm qua và rạng sáng nay các giải đấu toàn thế giới.